Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam

Tin chuyên ngành
Thứ ba, 01/12/2020, 20:25
Màu chữ Cỡ chữ
Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam

Thực hiện Kế hoạch số 569/KH-TTCP ngày 20/4/2020 của Thanh tra Chính phủ, Kế hoạch số 09/KH-TTT ngày 15/5/2020 của Thanh tra tỉnh, ngày 24/11/2020, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020).

Dự Lễ kỷ niệm có Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng phòng, Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng, Phó Chánh Văn phòng, công chức và người lao động Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra Sở, ngành; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra huyện, thị xã, thành phố; công chức được nhận Kỷ niệm chương; Phóng viên Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh dự và đưa tin.

Chánh Thanh tra tỉnh Bùi Thanh Nguyên phát biểu ôn lại truyền thống ngành Thanh tra. Ảnh: ntviet

Tại buổi lễ, đồng chí Bùi Thanh Nguyên, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh, phát biểu ôn lại truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra Việt Nam.

Cách đây 75 năm, vào ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, là tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra. Và từ đó, ngày 23 tháng 11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.

Mặc dù với muôn vàn công việc và khó khăn của những ngày đầu mới thành lập nước, nhưng việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hoạt động thanh tra luôn gắn liền với hoạt động quản lý Nhà nước, Thanh tra vừa là cơ quan quản lý Nhà nước vừa là công cụ thiết yếu của hoạt động quản lý Nhà nước. Thanh tra là phương tiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; hoạt động thanh tra góp phần thiết lập, giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong xã hội.

Trãi qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Thanh tra với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt, Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Nhà nước và nay là Thanh tra Chính phủ. Dù với tên gọi nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của mình là: “Hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ”, “Trung thành, tận tuỵ, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm”. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã để lại những tấm gương sáng về sự trung thành, gương mẫu, tận tuỵ, liêm khiết, có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra Việt Nam như: Cụ Bùi Bằng Đoàn, Cù Huy Cận, Trần Đăng Ninh, Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu,  Nguyễn Lương Bằng và nhiều đồng chí khác.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiệm vụ của ngành là tập trung thanh tra việc thực hiện các chính sách, giảm tô, giảm tức, huy động sức dân phục vụ kháng chiến, thanh tra công tác quản lý tài chính, quản lý ngân sách ở các cơ quan, đơn vị quân đội. Qua thanh tra đã phát hiện và ngăn ngừa các lệch lạc trong quản lý, xử lý nhiều vụ tham nhũng, lãng phí, củng cố mối quan hệ quân - dân, góp phần động viên sức sản xuất của Nhân dân, huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến.

Quanh cảnh buổi lễ. Ảnh: ntviet

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam, ngành Thanh tra đã bám sát nhiệm vụ cấp bách lúc này là khắc phục hậu quả chiến tranh, huy động sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Thanh tra luôn hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, hoạt động thanh tra góp phần thực hiện thắng lợi cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các tổ chức Thanh tra nhanh chóng được thành lập gắn liền với hoạt động quản lý của các cấp chính quyền. Nhiệm vụ của ngành Thanh tra là tập trung chống tiêu cực, chống quan liêu, chống cửa quyền, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển đất nước.

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, cùng với thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cả nước đẩy mạnh công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để lãnh đạo tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra như: Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng, chống tham nhũng… là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động ngành Thanh tra. Bộ máy Thanh tra các cấp được tổ chức lại theo hướng quản lý tập trung vào từng địa bàn, từng lĩnh vực. Nhiệm vụ của ngành là tập trung thanh tra vào các lĩnh vực: Quản lý đất đai, quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chính sách xã hội, giáo dục, y tế, trật tự xã hội; thanh tra trách nhiệm quản lý hành chính, công vụ của các cấp chính quyền.

Kết quả hoạt động thanh tra đã kịp thời biểu dương nhiều nhân tố tích cực, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động thanh tra thời gian này có tác dụng, hiệu quả tích cực góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời các yêu cầu bức xúc của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đối với ngành Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cùng với sự kiện sáp nhập hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thành tỉnh Minh Hải thì Thanh tra tỉnh cũng được thành lập với các tên gọi như: Uỷ ban Thanh tra tỉnh, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước tỉnh, Thanh tra tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra cấp trên, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, hằng năm, ngành Thanh tra thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác thanh tra, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ngày 01/01/1997, khi chia tách tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu được thành lập. Bước đầu, cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra Bạc Liêu chỉ có Thanh tra tỉnh, 04 Thanh tra cấp huyện, 12 Thanh tra Sở, với điều kiện cơ sở vật chất lúc đầu gặp nhiều khó khăn.

Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Thanh tra Bạc Liêu từng bước được củng cố, kiện toàn và phát triển, nhất là công tác xây dựng hệ thống tổ chức, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, chuẩn hóa cán bộ, đã tạo những chuyển biến lớn về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ toàn ngành. Đến nay, ngành Thanh tra Bạc Liêu có Thanh tra tỉnh, 07 Thanh tra cấp huyện, 14 Thanh tra Sở, ngành, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc từng bước được trang bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Hằng năm, ngành Thanh tra Bạc Liêu tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tiếp hàng ngàn lượt công dân, giải quyết hàng trăm vụ việc khiếu nại, tố cáo. Qua công tác thanh tra đã phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế - xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung thực hiện đã kịp thời giải quyết những yêu cầu, bức xúc của công dân, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và bộ máy chính quyền, góp phần cũng với Đảng bộ, quân và Nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ tốt cho các sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là các kỳ Đại hội Đảng, Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Từ năm 1997 đến nay, ngành Thanh tra Bạc Liêu đã tiếp trên 37 ngàn lượt công dân đến yêu cầu, khiếu nại, tố cáo, đã tham mưu cho thủ trưởng, Chủ tịch UBND cùng cấp giải quyết trên 13 ngàn vụ khiếu nại và trên 450 vụ tố cáo. Tổ chức trên 2.500 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, phát hiện sai phạm trên 280 tỷ đồng, kiến nghị điều chỉnh, khắc phục trên 200 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 80 tỷ đồng, chuyển sang cơ quan điều tra nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Chánh Thanh tra tỉnh trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp thanh tra”. Ảnh: ntviet.

Đặc biệt là những năm gần đây, ngành Thanh tra đã có nhiều cố gắng, quyết tâm cao trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Nhiều cuộc thanh tra có trọng tâm, trong điểm, việc triển khai thực hiện kết luận, quyết định về thanh tra đạt hiệu quả cao; tham mưu rà soát, kiểm tra, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài. Tham mưu tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Với những thành tích đã đạt được, từ năm 1997 đến nay: Thanh tra tỉnh được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen.

Nhiều tập thể, cá nhân ngành Thanh tra tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen, có 02 tập thể và 11 cá nhân được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Nguyên nhân cơ bản để có được những thành tích trong thời gian qua và sự phát triển lớn mạnh của ngành Thanh tra Bạc Liêu như hôm nay là nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp trong tỉnh; sự đoàn kết phấn đấu, rèn luyện với tinh thần ý thức trách nhiệm cao của các thế hệ cán bộ, công chức Thanh tra của tỉnh.

Tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành, trong điều kiện đất nước mở rộng quan hệ đối ngoại quốc tế, hội nhập kinh tế thế giới thì bên cạnh những thuận lợi cơ bản sẽ đan xen những khó khăn, thách thức, nhất là việc lợi dụng những kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật; sự quản lý hạn chế của cơ quan nhà nước, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức để câu kết trong quản lý, sử dụng tài chính, đầu tư xây dựng, kinh doanh… thu lợi bất chính, vi phạm pháp luật.

Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo ngành Thanh tra phải tập trung chủ động nắm tình hình, xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với khả năng của đơn vị, sát với tình hình thực tế, phục vụ tốt cho yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền, nhất là các lĩnh vực đang được dư luận xã hội quan tâm, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý.

Đổi mới phương pháp, cách thức thanh tra thật sự khoa học, đúng quy trình, trình tự, thủ tục; các kiến nghị xử lý phải chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật và phải có tính khả thi cao. Công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra và việc đôn đốc thực hiện kết luận, chỉ đạo xử lý sau thanh tra phải được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đạt hiệu quả cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức và Nhân dân, nhất là các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành Thanh tra trong tỉnh, phấn đấu giải quyết đạt tỷ lệ trên 90% đối với các vụ việc mới phát sinh. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, không để khiếu nại bức xúc kéo dài, phát sinh điểm nóng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kiểm tra kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định xử lý về tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

Tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các giải pháp phòng ngừa… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Yêu cầu công chức và người lao động ngành Thanh tra tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế; đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn; ra sức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, giữ vững quan điểm lập trường, bản lĩnh chính trị, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ Thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được".

Đồng thời, tích cực nghiên cứu học tập để không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; ý thức tổ chức kỷ luật; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ Nhân dân như lời dạy của Bác: "Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới" "Việc gì có lợi cho dân thì phải ra sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh".

Mỗi cán bộ, công chức trong ngành Thanh tra phải phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ để góp phần cùng với Đảng bộ, quân, dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh, đưa tỉnh ta bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững theo năm trụ cột mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; giữ vững sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội để đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là phục vụ tốt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

TC

Số lượt xem: 3129

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© THANH TRA TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Số 078, đường Trần Văn Sớm, Phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 02913.823.891 - Fax: 02913.823.849 - Email: thanhtratinh@baclieu.gov.vn